Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Hệ thống nhúng là gì?

Embeded System

1. Khái niệm về hệ thống nhúng
Hệ thống nhúng là một hệ thống được tích hợp cả phần cứng và phần mềm phục vụ cho các bài toán chuyên dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, tự động hóa điều khiển, quan trắc và truyền thông.
Hệ thống này đòi hỏi độ ổn định và tự động hóa cao. Do sử dụng cho các nhiệm vụ chuyên biệt và được sản xuất với số lượng lớn nên chúng được thiết kế một cách tối ưu nhằm giảm thiểu kích thước cũng như giá thành sản xuất. Độ phức tạp là khác nhau theo yêu cầu của công việc mà chúng đảm nhận, hệ thống nhúng có thể rất đơn giản với một vi điều khiển hoặc rất phức tạp với nhiều đơn vị, các thiết bị ngoại vi và mạng lưới được nằm gọn trong một lớp vỏ máy lớn.

2. Các đặc điểm của hệ thống nhúng
* Hệ thống nhúng là một hệ thống máy tính.
Hệ thống nhúng thường không phải là một khối riêng biệt mà là một hệ thống phức tạp nằm trong thiết bị mà nó điều khiển.
* Có tài nguyên giới hạn
Các hệ thống nhúng bị giới hạn nhiều hơn về phần cứng và chức năng phần mềm so với máy tính cá nhân. Giới hạn phần cứng có thể bao gồm giới hạn về khả năng xử lý, tiêu thụ điện năng, bộ nhớ, chức năng phần cứng,… Còn giới hạn phần mềm thường liên quan đến việc hỗ trợ ít ứng dụng, ứng dụng bị thu gọn tính năng, không có hệ điều hành hoặc hệ điều hành có nhiều hạn chế. Tuy nhiên, ngày nay, những giới hạn này đã được khắc phục đáng kể bằng các hệ thống nhúng được thiết kế phức tạp và đầy đủ tính năng hơn. Phần mềm của hệ thống nhúng được lưu trữ trên các bộ nhớ ROM, Flash và được gọi là Firmware.
* Chuyên dụng
Hệ thống nhúng được thiết kế để thực hiện một chức năng chuyên biệt nào đó. Đây là điểm khác biệt so với các hệ thống máy tính khác như máy tính cá nhân hoặc các siêu máy tính có thể thực hiện nhiều chức năng khác nhau với những phép tính phức tạp. Chuyên dụng giúp nâng cao tính dễ sử dụng và tiết kiệm tài nguyên.
* Tương tác với thế giới thực
  • Cảm nhận môi trường: cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, trọng lượng…, cảm nhận bằng tín hiệu điện (máy dò nhiễu điện từ)
  • Tác động trở lại môi trường (hú còi báo động khi phát hiện khói trong tòa nhà…)
  • Tốc độ tương tác phải đáp ứng thời gian thực (hệ thống còi báo hỏa, hệ thống chống trộm trên ô tô,…)
  • Có thể có hoặc không có giao diện giao tiếp với người dùng như máy tính cá nhân. Với những hệ thống đơn giản, thiết bị nhúng sử dụng LCD nhỏ, Joystick, LED, nút bấm, chỉ thị chữ hoặc số và thường đi kèm với một menu đơn giản. Hiện nay chúng ta cũng có thể kết nối đến hệ thống nhúng thông qua giao diện Web, việc này cho phép giảm thiểu chi phí cho màn hình nhưng vẫn cung cấp khả năng hiển thị và nhập liệu thuận tiện thuận tiện thông qua mạng và máy tính khác.
* Yêu cầu chất lượng, ổn định và độ tin cậy cao
Nhiều loại thiết bị nhúng có những yêu cầu rất cao về chất lượng, tính ổn định và độ tin cậy. Lỗi của hệ thống nhúng có thể gây ra tai nạn khủng khiếp: Hệ thống điều khiển máy bay, tên lửa, hệ thống điều khiển động cơ ô tô…Lỗi trên hệ thống nhúng có thể không sửa được (vd: vệ tinh nhân tạo), nếu sửa được thì chi phí cũng rất cao (thu hồi sản phẩm hoặc thiết kế lại toàn bộ…) Vì vậy việc phát triển hệ thống nhúng yêu cầu quy trình kiểm tra – kiểm thử rất cẩn thận.
Thông thường với những hệ thống yêu cầu độ ACTIVE cao thì việc trang bị 1 hệ thống dự phòng, backup là điều chắc chắn.
* Một số ví dụ điển hình về hệ thống nhúng
  • Các hệ thống dẫn đường trong không lưu, hệ thống định vị toàn cầu, vệ tinh.
  • Các thiết bị gia dụng: tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng,…
  • Các thiết bị kết nối mạng: router, hub, gateway,…
  • Các thiết bị văn phòng: máy photocopy, máy fax, máy in, máy scan,…
  • Các thiết bị y tế: máy thẩm thấu, máy điều hòa nhịp tim,…
  • Các máy trả lời tự động
  • Dây chuyền sản xuất tự động trong công nghiệp, robots.
Một số thiết bị nhúng thông dụng
Một số thiết bị nhúng thông dụng

3. Hệ thống nhúng “lai”
Các thiết bị PDA, Smartphone, Netbook, … cũng có một số đặc điểm tương tự với hệ thống nhúng như hệ điều hành hoặc vi xử lý điều khiển nhưng các thiết bị này không thật sự là hệ thống nhúng, bởi vì chúng là các thiết bị đa dụng, kết nối đến nhiều thiết bị ngoại vi và tương tác với thế giới thực không chặt chẽ.

4. So sánh với PC (Personal Computer)
Hệ thống nhúngMáy tính cá nhân
Chuyên dụngĐa  dụng
Tài nguyên hạn chếNhiều tài nguyên
Kích thước nhỏ gọnKích thước lớn
Ứng dụng ở nhiều nơiKhông gian hoạt động hạn chế
Một người có thể quản lý nhiều hệ thốngMỗi người dùng một máy

5. Kiến trúc hệ thống nhúng
Mỗi hệ thống nhúng đều có một kiến trúc thổng thể như sau:
Kiến trúc tổng thể của hệ thống nhúng
Kiến trúc tổng thể của hệ thống nhúng

* Hardware
Vi xử lý, bộ nhớ, tụ điện, điện trở, mạch tích hợp, bảng mạch in, connector, …. Tất nhiên, đây là thành phần bắt buột phải có cho tất cả các hệ thống nhúng.
Nói thêm về bộ vi xử lý trong Hệ thống nhúng:
  • Vi xử lý
    Bộ xử lý được thiết kế riêng, chỉ bao gồm phần xử lý. Có thể thay đổi thêm bớt các thành phần ngoại vi một cách linh hoạt.
  • Vi điều khiển
    Được tích hợp các thành phần ngoại vi trên chip để giảm kích thước hệ thống.
  • SoC (System on Chip)
    Một vi mạch tích hợp cao, hỗ trợ đa nhân xử lý và nhiều giao tiếp trên 1 chip. Giúp tăng tốc thời gian thiết kế hệ thống.
    Sử dụng như một mạch tích hợp cho ứng dụng cụ thể (ASIC) hoặc mạch logic khả trình (FPGA)
* Phần mềm hệ thống
  • Không bắt buộc phải có.
  • Device driver: UART, Ethernet, ADC…
  • Hệ điều hành nhúng: eCos, ucLinux, VxWorks, Monta Vista Linux, BIOS, QNX…
  • Quản lý bộ nhớ, quản lý tiến trình, quản lý chia sẽ tài nguyên
  • Có thể tái sử dụng trên một hệ thống nhúng khác
* Phần mềm ứng dụng
  • Không bắt buộc phải có.
  • Quyết định hành vi (chức năng) của một hệ thống nhúng.
  • Khó tái sử dụng trên một hệ thống nhúng khác.

6. Thiết kế hệ thống nhúng
Việc thiết kế hệ thống nhúng khá phức tạp và đòi hỏi người kỹ sư thiết kế phải có nhiều kinh nghiệm. Hầu hết các mô hình được sử dụng trong việc thiết kế hệ thống nhúng đều dựa trên một hoặc sự kết hợp nhiều mô hình trong các các mô hình phát triển sau:
* Mô hình big-bang
Không hề có một kế hoạch cụ thể trước và trong suốt quá trình phát triển hệ thống
* Mô hình code-and-fix
Là một mô hình khá đơn giản, chỉ thích hợp cho các chương trình nhỏ (không đòi hỏi việc bảo trì), không thích hợp với các hệ thống lớn, bao gồm 2 bước:
  • Viết code
  • Fix các vấn đề phát sinh
* Mô hình waterfall
Trong mô hình này, quá trình phát triển hệ thống được xây dựng theo từng bước, các kết quả của một bước sẽ được sử dụng cho bước kế tiếp.
* Mô hình spiral
Quá trình phát triển hệ thống được chia thành nhiều giai đoạn. Dựa trên sự phản hồi từ các giai đoạn, kết hợp trở lại vào quá trình để lên kế hoạch cho việc thực hiện giai đoạn tiếp theo.

(Tham khảo Sectic, Wikipedia)

Hàn mạch và bảo quản máy hàn mạch đúng cách

Nói đến hàn thì không ai là không biết hàn, có điều hàn có chuẩn hay không? Biết cách sử dụng và bảo quản máy hàn hay không lại là chuyện khác. Bài viết này tôi không miêu tả cách hàn, cũng như sử dụng máy hàn như thế nào. Tôi sẽ đưa ra một số chú ý khi hàn và sử dụng máy hàn sao cho hợp lý.

1. Thiếc hàn – Chì hàn
Chì hàn
Chì hàn
Gọi là thiếc hàn nhưng thực chất trong thứ kim loại mềm dẻo mà chúng ta sử dụng để hàn hằng ngày không chỉ có thiếc, chúng là 1 hợp kim chứa chủ yếu là Thiếc (Sn) và Chì (Pb). Với một số loại Thiếc hàn chất lượng cao còn có thêm Bạc (Ag), Đồng (Cu).
Chì hàn mà chúng ta sử dụng cũng có nhiều loại:
Thiếc có chì:
  • Tỉ lệ 63(Sn)/37(Pb) là tối ưu, mối hàn bóng, dễ chảy. Tỉ lệ này khi hàn ngấu cho ra hợp kim Eutectic có nhiều tính năng đặc biệt.
  • Tỉ lệ 60(Sn)/40(Pb) có nhiệt độ nóng chảy cao hơn, lỏng hơn nhưng mối hàn kém bóng hơn.
Thiếc không chì:
  • Chủ yếu là 96.5(Sn)/3(Ag)/0.5(Cu), loại này tốt hơn, tất nhiên là giá sẽ cao hơn.
Tham khảo thêm:
  • http://en.wikipedia.org/wiki/Solder
  • http://en.wikipedia.org/wiki/Eutectic_point
Thiếc để sử dụng khi hàn có nhiều dạng:
  • Thiếc thanh (Solder bar)
  • Thiếc dây (Solder wire)
  • Thiếc kem (Solder paste)
Chất trợ hàn:
Thường trong thiếc dây lõi là chất trợ hàn (Flux Liquid) – tùy loại mà có 1 lõi hay nhiều lõi, thiếc kem cũng có đi kèm chất trợ hàn vì thế khi hàn chúng ta không cần có thêm chất trợ hàn. Chất trợ hàn có chứa 1 phần là axit giúp làm sạch mối hàn, khiến mối hàn bóng bẩy. Chất trợ hàn có thể là nhựa thông hoặc 1 dung môi làm sạch.
Để dùng bên ngoài thì có thêm loại mỡ hàn, là chất giúp làm sạch mối hàn và giảm sức căng bề mặt của thiếc hàn do đó giúp thiếc hàn bám vào mối hàn mịn hơn.
Bạn có thể tự chế dung dịch phủ mạch cũng như trợ hàn bằng nhựa thông bằng cách đập vụn nhựa thông sau đó cho vào dung dịch aceton hoặc xăng. Cho nhựa thông vụn vào và khuấy đều đến khi nhựa thông tan hết, và ta có một dung dịch  màu vàng sậm 1 chút là được. Các bạn nên pha ít một để dùng, khi nào hết pha tiếp chứ nếu pha nhiều đến lúc xăng hoặc aceton bay hơi hết thì không ổn lắm. :D
Dung dịch sau khi chế này bạn có thể quét lên vị trí chuẩn bị hàn hoặc quét lên bản mạch mà chúng ta ủi sẽ giúp mạch in không bị oxi hóa, đẹp và giúp hàn dễ hơn nữa.
Kinh nghiệm đi mua thiếc hàn:
Khi đi cầm theo một chiếc bật lửa, hơ nóng chảy 1 đoạn nhỏ dây thiếc hàn, thiếc nóng chảy rơi xuống hạt tròn bóng nhẵn như bi sắt, khi nguội cầm tay vê không làm đen tay là được. Còn nếu hạt thiếc sần sần, đen tay khi cầm là quá nhiều chì.

2. Máy hàn – Mũi hàn
Máy hàn
Hiện có rất nhiều loại máy hàn trên thị trường, tuy nhiên trong giới sinh viên thì có 2 loại phổ biến nhất là máy hàn xung (súng) và máy hàn nung (bút).
Máy hàn xung là loại được gia nhiệt bằng xung điện xoay chiều có dòng lớn từ cuộn thứ cấp của máy hàn. Loại này thường có công suất lớn, nhiệt tạo ra nhanh.
Máy hàn nung là loại gia nhiệt bằng mayxo, thời gian từ lúc mở máy đến lúc hàn được khá lâu.
Máy hàn nung - Máy hàn xung
Máy hàn nung – Máy hàn xung
Hai loại này có thể điều chỉnh được nhiệt độ hàn. Khi hàn những linh kiện nhạy cảm như IC, cảm biến thì nên dùng máy hàn nung để tránh xung điện từ máy hàn xung làm hỏng linh kiện.
Mũi hàn
Một số loại mũi hàn
Một số loại mũi hàn
Có rất nhiều loại mũi hàn: mũi dao, mũi nhọn… sử dụng cho nhiều mục đích. Thường mũi hàn đã được mạ trước, như Niken chẳng hạn giúp tăng tuổi thọ mũi hàn.
Phụ kiện đi kèm:
Dây hút thiếc - Mỡ hàn - Cây hút thiếc
Dây hút thiếc – Mỡ hàn – Cây hút thiếc
Máy hàn, thiếc hàn, chất trợ hàn, mỡ hàn, cây hút thiếc, dây hút thiếc.
Kệ hàn - bọt biển - bùi nhùi
Kệ hàn – bọt biển – bùi nhùi
Kệ hàn giúp cố định tay hàn khi không sử dụng. Bọt biển và bùi nhùi giúp làm sạch đầu mũi hàn.

3. Nhiệt độ hàn
Nhiệt độ hàn không được quá cao khiến bong board mạch, cháy mạch, không quá thấp khiến thiếc hàn không nóng chảy được hoặc vỡ vụn ra. Thiếc hàn có nhiệt độ nóng chảy khoảng 200-280 độ C, vì vậy nhiệt độ phải vừa phải, cỡ 240 – 350 độ C là đã có thể hàn tốt rồi.
Với linh kiện dán hoặc IC để nhiệt độ 240 – 260 độ, linh kiện rời rạc để nhiệt độ 260 độ, với header – connector để nhiệt độ 280 độ. Tùy theo loại thiếc và diện tích bề mặt hàn mà tăng giảm nhiệt độ vừa phải đảm bảo linh kiện và board mạch không bị hỏng cũng như không gây khó khăn cho người hàn.
Thời gian giữ mũi hàn tại chân linh kiện cũng không được lâu, chỉ khoảng 5 – 7s là nhiều. Trong quá trình hàn, với những mối hàn lớn, linh kiện nhạy cảm như IC, transistor… thì bạn cần giúp linh kiện tản nhiệt bằng cách kẹp vào chân linh kiện hoặc áp vào linh kiện 1 thứ bằng kim loại để có thể giúp tản nhiệt cho linh kiện nhanh hơn.

4. Chú ý khi hàn
Các bước để hàn một mối hàn đẹp và chắc chắn:
  • Chú ý để tránh bị bỏng khi hàn.
  • Cố định vật hàn hoặc bo mạch cần hàn.
  • Điều chỉnh nhiệt độ thích hợp với nơi hàn.
  • Khi nhìn thấy khói bốc lên tức là nhiệt đã đủ, không cần làm nóng mỏ hàn thêm nữa, giữ nhiệt độ ổn định.
  • Thêm 1 chút thiếc lên đầu mũi hàn.
  • Bắt đầu đặt đầu mũi hàn vào chân linh kiện và pad trên board mạch.
  • Đưa thiếc hàn vào chân linh kiện bên cạnh mũi hàn vừa đủ để thiếc nóng chảy và dàn đều ra chân linh kiện và pad.
  • Mối hàn đẹp là mối hàn bóng, vừa đủ thiếc, không thừa vón cục, không thiếu để hở lỗ pad và trơ gốc chân linh kiện.
Chú ý khi hàn
Chú ý khi hàn

Mạ lại đầu mũi hàn mỗi khi mũi hàn bị oxy hóa:
Việc mạ lại đầu mũi hàn trước và sau khi sử dụng giúp tăng tuổi thọ cho mũi hàn, chống oxy hóa và giúp bám thiếc tốt hơn. Việc này là cần thiết cho mọi loại máy hàn.
Trước khi mạ, mũi hàn có xỉ đen, cáu bẩn là do nhiệt cao làm cháy chất trợ hàn (Flux) hoặc do trong chất trợ hàn có thành phần axit khiến ăn mòn đầu mũi hàn. Cần làm sạch bằng cách cạo sạch mũi hàn bằng lưỡi dao nhỏ, sau đó gia nhiệt cho mũi hàn, nhúng mũi hàn vào chất trợ hàn, sau đó đưa thiếc vào làm sao cho thiếc được tráng đều trên mặt mũi hàn khoảng 5mm.
Đơn giản hơn:
Mạ đầu mũi hàn
Mạ đầu mũi hàn
Làm sạch mũi hàn – Dùng thiếc quấn quanh đầu mũi hàn khoảng 7mm – Gia nhiệt vừa đủ cho thiếc tan chảy.
Làm đẹp mối hàn:
Khi sử dụng máy hàn xung, cần làm sạch các điểm tiếp xúc, vặn ốc vít thật chặt để mũi hàn được truyền điện tốt nhất. Khi hàn thì đặt mũi hàn vào vị trí cần hàn, đưa dây thiếc vào vị trí đầu mũi hàn rồi mới bóp công tắc, không bóp công tắc trước ở ngoài rồi mới đưa vào.
Để có một mối hàn đẹp, chắc chắn, ngoài yếu tố chất lượng thiếc hàn, máy hàn thì còn phần lớn là do người hàn. Hàn một thời gian thì bạn sẽ tích lũy được kỹ năng hàn chuẩn, cảm giác hàn tốt hơn.
Sau khi hàn mạch xong, nên sử dụng cồn hoặc aceton để tẩy rửa sạch mạch, lúc này mạch sẽ long lanh hơn rất nhiều.

5. Vấn đề sức khỏe
Vấn đề này rất quan trọng, người làm về điện tử sẽ thường xuyên phải tiếp xúc với linh kiện, hóa chất, khói – hơi.
Khi làm cần chú ý:
  • Hàn nơi thoáng khí, cần có 1 quạt hút hơi – khói hàn ra ngoài, tránh để người hàn hít – ngửi trực tiếp với khói hàn. Khói hàn thực chất là nhựa thông – chất trợ hàn bị đốt nóng và bay hơi. Với những loại thiếc chất lượng kém, trong khói hàn còn có cả chì.
  • Khi hàn nên đeo kính, đi găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với linh kiện, hóa chất.
  • Chú ý để tránh tiếp xúc với mũi hàn, đầu mỏ hàn gây bỏng.
  • Cần sử dụng kính lúp, kính phóng đại khi hàn, làm việc với các loại board mạch cỡ nhỏ, linh kiện nhỏ và phải đầy đủ ánh sáng tránh bị tật về mắt.
Các bạn có thể cho rằng tôi quá cẩn thận, những điều kiện đưa ra có thể cầu kỳ. Sức khỏe của chính các bạn là quan trọng, đã có nhiều bài học rồi (Các bạn có thể tự tìm hiểu thêm về vấn đề này – tôi không tiện đưa ra).
Sức khỏe là của các bạn, các bạn không tự giữ được thì không ai giữ giùm các bạn đâu. :D

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Sử dụng Google Drive làm Host lưu trữ media file cho Website

Như đã biết, mỗi tài khoản Google đều được cấp 15GB dung lượng lưu trữ cho Mail, Google Docs, Google Drive…
Google Drive cho phép lưu trữ file css, javascript, html, image, file media….. như 1 Host tĩnh.
Google Drive có:
  • Tốc độ cao.
  • Dung lượng lưu trữ tương đối lớn.
  • Ổn định.
  • Bảo mật rất tốt.
  • Dễ dàng đồng bộ dữ liệu với máy tính của mình thông qua ứng dụng Google Drive.
  • Và FREE.
Vậy là quá đủ với 1 website blog nho nhỏ của chúng ta.
Bài viết này sẽ hướng dẫn cách biến Google Drive thành 1 trang lưu trữ đơn giản cho website.
I. Đăng ký 1 tài khoản Google nếu bạn chưa có
Vào https://accounts.google.com/SignUp để đăng ký 1 tài khoản Google.
Có rồi thì qua Bước tiếp theo.
II. Sử dụng Google Drive
Vào địa chỉ https://drive.google.com để truy cập vào Google Drive.
Nhấn Create, chọn Folder trong trình đơn xổ xuống. Tạo 1 Folder, đặt tên gì cũng được, tùy thích.
Create Folder
Tạo Folder
Click phải -> chọn Share -> chọn Share
Share Setting
Share Setting
Nhấn Advanced
Share Setting Next Step
Share Setting Next Step
Ghi nhớ đoạn mã tương tự như đánh dấu màu xanh, sau đó click vào Change để thay đổi quyền hạn đối với thư mục này.
Thay đổi thuộc tính Share - Folder ID
Thay đổi thuộc tính Share – Folder ID
Click chọn Public on the web, mục Access chọn Can view (chỉ cho phép người khác xem)
Private setting
Private Setting
Nhấn Save để lưu lại các thay đổi.
III. Upload file lên thư mục đã chia sẻ
Link đến Host mà chúng ta đã tạo như sau:
Trong đó XXXXXXXXXXX là đoạn mã mà tôi nhắc bạn ghi nhớ lúc trước.
Tất cả những file bạn upload lên folder này sẽ được đặt thuộc tính Share, bạn vào link Host vừa tạo sẽ thấy file vừa Upload.
File Upload Public
File Upload Public
Như trong ví dụ, tôi upload lên 1 tài liệu PDF. Tới đây, bạn có thể tạo các folder bên trong, upload file lên thoải mái và sử dụng như 1 Host thông thường.
Nếu không muốn người khác thấy những file đã upload thì bạn chỉ cần tạo 1 file index.html rỗng sau đó đặt vào mỗi folder, người khác truy cập vào link sẽ chỉ thấy 1 màn hình trống trơn không hơn không kém.
Bạn có thể upload lên đây mọi thứ nếu muốn (Tất  nhiên là trong những thứ mà Google cho phép). Và dùng các dịch vụ thu gọn url, hoặc dùng htaccess trên server của bạn để trỏ subdomain về đây.
  Bonus:
Hướng dẫn thêm 1 chút vụ trỏ subdomain về Google Drive, hiện tại ThanhNT đang chạy subdomain làhttp://media.thanhnt.com, sử dụng subdomain riêng như thế này cho phép bạn có thể linh động hơn trong việc thay đổi server lưu trữ, chuyển qua lại Dropbox, Google Drive hoặc 1 host nào đó riêng mà không sợ mất link.
Giả sử bạn đã có link đến folder dạng như trong hình phía trên:
Link này tùy thuộc vào Google cấp cho bạn.
Nên để dạng link dài như trên, vì nếu chọn dạng https://googledrive.com/host/XXXXXXXXXXXXXX thì hệ thống cũng vẫn redirect ta về link dài phía trên, tuy nhiên lại phải mất thời gian chờ redirect, chi bằng ta dùng luôn cho đỡ mất thời gian. :D
Thêm đoạn sau vào file .htaccess của bạn trong thư mục root của website. (Nhớ chỉnh đường dẫn Google Drive về đường dẫn của bạn)
Trên đây là hướng dẫn với subdomain media.* => bạn có thể thay đổi theo ý của mình.
Sau khi thực hiện các bước chỉnh sửa htaccess như trên, bạn đã hoàn toàn có thể sử dụng được 1 cách bình thường. Tại đây, tôi lưu trữ cả các file tài nguyên tải về nữa, với những file ảnh, css, js chỉ vài chục KB đến khoảng gần 1MB thì không thấy vấn đê gì, nhưng đối với những file data nặng cỡ 5MB trở lên thì thực sự là có vấn đề.
Bạn có thể để ý rằng tốc độ tải về khá chậm, đôi khi còn bị đứt gánh giữa đường và cũng không có chế độ resume nếu bị đứt. Thế nhưng nếu bạn sử dụng link trực tiếp của Google Host thì tốc độ rất nhanh, tải nhiều phần 1 lúc (khi sử dụng IDM chẳng hạn), và cũng cho phép resume nữa.
Sự khác biệt này xảy ra do đặc tính redirect của htaccess và config host của bạn. Khắc phục vấn đề  này bằng cách redirect link tải tài nguyên về 1 chương trình Download Manager (DM), chương trình này làm nhiệm vụ tạo link tải gốc và redirect thông qua javascript. Bạn có thể viết chương trình DM này chỉ bằng vài dòng PHP và thông qua DM này bạn cũng có thể thêm một vài tính năng khác như thống kê lượng tải về chẳng hạn.
Trên các link tải tài nguyên của THANHNT cũng đã áp dụng như vậy.



Những năm gần đây, Google đã nâng cấp đáng kể các dịch vụ của mình trong đó phải kể đến dịch vụ lưu trữ Google Drive. Không chỉ cho phép người dùng lưu trữ dữ liệu mà Google Drive còn có ứng dụng dành cho máy tính, các thiết bị di động để người dùng có thể đồng bộ dữ liệu giữa các thiết bị, tích hợp Gmail, làm việc offline, nhận dạng chữ viết, lưu trữ nhiều định dạng dữ liệu hơn…  


Dù không thể so với các bộ phần mềm Office dành cho máy tính, nhưng rõ ràng Google Drive đang ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của mình và trở thành một phần của công việc hàng ngày của nhiều người. Để bạn có thể sử dụng Google Drive tốt hơn, khai thác tối đa các tính năng mà dịch vụ này hỗ trợ, XHTT giới thiệu với bạn đọc 26 thủ thuật hay cho người dùng Google Drive nhằm giúp người dùng cải thiện hiệu quả trong công việc khi sử dụng dịch vụ này của Google.
1. Các loại tập tin
 
Hãy bắt đầu với giao diện chính của Google Drive. Nhấn vào mũi tên hướng xuống bên trong hộp Search ở trên cùng của màn hình và bạn có thể thấy bộ lọc các tập tin hiển thị dựa trên định dạng mà Drive hỗ trợ, cho phép người dùng nhanh chóng tìm kiếm những loại tập tin cụ thể mà mình cần. 
2. Thay đổi kiểu xem
 
Có một vài liên kết hữu ích ở góc bên trái của giao diện Google Drive dưới thẻ My Drive cho phép người dùng thay đổi cách xem các file mà bạn đang tìm kiếm. Sử dụng tuỳ chọn Recent để bạn có thể xem các tập tin mà mình đã mở gần đây nhất và Activity để xem các hướng dẫn gần đây đã được thay đổi bởi bạn hoặc người khác với quyền truy cập.
3. Xem trước nhiều hơn
 

Bạn có muốn xem trước nội dung của nhiều file cùng một lúc mà không cần mở chúng? Tất nhiên bạn hoàn toàn có thể thực hiện điều này bằng cách. Tích chọn trước tên của các tập tin mà bạn muốn xem trước nội dung trong giao diện chính của Google Drive, sau đó nhấn nút Preview (biểu tượng con mắt), rồi sử dụng các mũi tên ở bên để điều hướng thông qua các tập tin của bạn.
4. Google Drive cho máy tính 
 

Ứng dụng Google Drive cho máy tính để bàn cho phép bạn sử dụng như một dịch vụ sao lưu trực tuyến cho các tập tin trên máy tính của bạn. Bạn có thể chọn thư mục cụ thể để đồng bộ trên mỗi máy. Các tập tin Google Doc lưu trữ trên dịch vụ sẽ được thể hiện như các liên kết web trên ổ cứng của bạn.
5. Tích hợp công nghệ OCR  

Google Drive có thể sử dụng chức năng nhận diện ký tự quang học (Optical Character Recognition - OCR) để phân tích văn bản trong các tập tin PDF hay các nội dung text bên trong các tập tin ảnh để chuyển đổi nội dung text thành tài liệu Google Doc tiêu chuẩn. Bạn có thể chọn tùy chọn này từ tuỳ chọn upload tập tin ngay từ máy tính của mình.
6. Định dạng Paint 

 


Nút Paint là ở bên trái của thanh công cụ trong tất cả các ứng dụng Google Drive và bạn có thể sử dụng nút này để sao chép định dạng của một khối văn bản này để áp dụng sang khối văn bản khác. Ví dụ, nếu bạn tạo ra một tiêu đề theo đúng ý của mình, bạn có thể sử dụng nút Paint này để nhanh chóng sao chép và áp dụng cho tiêu đề của các tài liệu khác nhanh chóng, tương tự như khi bạn thực hiện với tính năng Format Painter trong Word/Excel trên máy tính.
7. Thiết lập văn bản mặc định

 


Trong khi xử lý các tập tin văn bản, bạn truy cập vào trình đơn Normal text, trong menu thả xuống bạn chọn loại định dạng văn bản mà mình muốn sử dụng cho tài liệu đó. Trong đó bạn có thể thử sử dụng các tuỳ chọn định dạng văn bản khác nhau làm sao để lựa chọn được loại định dạng mà bạn muốn. Trường hợp khi bạn đã ưng ý với kiểu định dạng tài liệu của mình, bạn có thể truy cập vào trình đơn Normal text> Options > Save as my default để chọn kiểu định dạng mới này áp dụng cho tất cả các tài liệu mới mà bạn sẽ tạo ra sau này.
8. Tìm kiếm liên kết 



Nếu bạn đánh dấu bằng cách “bôi đen” một khối văn bản và sau đó kích chuột phải rồi chọn lệnh Link hoặc bấm nút Insert link trên thanh công cụ, bạn sẽ thấy một danh sách các URL đề xuất dựa trên văn bản mà bạn đã chọn. Từ hoặc cụm từ trong danh sách tập tin Google Drive của bạn được lựa chọn cũng sẽ được hiển thị, trường hợp này cho phép bạn liên kết giữa các tài liệu khác nhau lại với nhau.
9. Research

 


Nếu bạn luôn phải chuyển đổi qua lại giữa các tab của trình duyệt để tìm kiếm thông tin thông qua Google cho tài liệu của mình thì bạn có thể sử dụng cửa sổ Research (có thể truy cập từ menu Tools> Research). Gõ từ khóa tìm kiếm vào khung trống để xem kết quả từ các trang web cũng như từ tài khoản Google Drive và Gmail của bạn mà không cần phải chuyển đổi qua lại giữa các tab của trình duyệt.
10. Kéo thả hình ảnh

 


Có thể kéo và thả hình ảnh ngay vào tài liệu nhanh chóng vào bất kỳ vị trí nào mà bạn muốn, cho dù từ ổ cứng của bạn hoặc từ một trang web hoặc từ kết quả tìm kiếm trong cửa sổ Research.
11. Dịch tài liệu

 


Tận dụng khả năng “vô tận” của Google Translate bạn có thể dịch các tài liệu của mình từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác và ngược lại dễ dàng thông qua menu Tools> Translate. Trong đó có hơn 46 ngôn ngữ khác nhau mà Google hỗ trợ dịch thuật.
12. Thông báo qua email 
 


Trong ứng dụng bảng tính Spreadsheet bạn có thể nhận được các thông báo tùy chỉnh khi có bất kỳ điều gì thay đổi trên bảng tính của mình. Để thiết lập bạn truy cập vào menu Tools > Notification rồi lựa chọn thiết lập cảnh báo theo yêu cầu.
13. Chọn Theme cho slide 

 


Các theme trong slide giúp bạn có được bài thuyết trình đẹp hơn, ấn tượng hơn và chuyên nghiệp hơn. Vào tháng 10/2013 thì Google đã bổ sung thêm tùy chọn để chỉnh sửa các slide chủ, để thực hiện bạn mở menu Slide và chọn tuỳ chọn Edit master để thay đổi.
14. Chèn bảng trong tài liệu

 


Ứng dụng Doc không có các công cụ thiết kế tiên tiến như ứng dụng Office cho máy tính, nhưng bạn vẫn có thể sử dụng tính năng chèn các cột và dòng vào trong tài liệu của mình. Thông qua menu Table>Insert tablet bạn có thể tạo để tạo các cột và dòng với nhiều kích thước khác nhau, tuỳ chọn Tablet>Tablet properties sẽ cho phép bạn thay đổi chiều dày viền, màu, vị trí… hoặc cũng có thể thiết lập để các cột và hàng trở nên “vô hình” trong tài liệu.
15. Dạng có điều kiện

 


Khả năng và phạm vi ứng dụng văn phòng trực tuyến của Google vẫn đã và đang được phát triển không ngừng. Thông qua menu Format trong ứng dụng bảng tính Spreadsheet bạn có thể áp dụng hiệu ứng cho text, thay đổi màu nền cho các cột/hàng trong một phạm vi nhất định phù hợp với các tiêu chí cụ thể.
16. Word Art

 


Ứng dụng trình chiếu Presentation được tích hợp công cụ Word Art với các tính năng cơ bản và bạn có thể truy cập công cụ này từ menu Insert. Trong đó bạn có thể thay đổi màu chữ, màu khung và độ dày khung từ thanh công cụ và hình dạng Word Art có thể sẽ rất hữu ích nếu bạn cần sự linh hoạt trong trang trí và tạo điểm nhấn cho bài thuyết trình hơn là nhập một đoạn text đơn thuần.
17. Quét tài liệu

 


Nếu sử dụng ứng dụng Google Drive trên điện thoại Android, bạn có thể chọn tùy chọn Scan để sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng như một máy quét  tài liệu. Bằng cách sử dụng camera tích hợp để chụp một tài liệu vật lý và các ứng dụng Google Drive sẽ chuyển đổi tài liệu đó sang tập tin PDF và được lưu trong Google Drive.
18. Tìm các ứng dụng mới
 


Rất nhiều trong số các ứng dụng có sẵn trong Chrome Web Store cũng có thể tìm kiếm trực tiếp từ bên trong Google Drive, trong đó bạn có thể sư dụng các tiện ích để tăng cường thêm tính năng cho dịch vụ mà mình sử dụng. Để truy cập kho ứng dụng hỗ trợ, bạn kích chọn tập tin bất kỳ trong danh sách rồi bấm nút More>Open with>Connect more apps. Trong đó bạn có thể duyệt qua hầu hết các ứng dụng phổ biến, từ chỉnh sửa ảnh đến ký các tài liệu trực tuyến.
19. Xuất bản tài liệu

 


Bạn có thể nhúng một bài thuyết trình hoặc bất kỳ loại tập tin nào trên web để giúp cho những người  dùng khác dễ dàng tìm kiếm những tài liệu đó của bạn. Để thực hiện, bạn chọn menu File>Publish to the web để xem các tùy chọn có sẵn để lựa chọn. Ngoài ra thông qua menu File>Download as bạn có thể tải và chuyển đổi các file văn bản, bảng tính, bài thuyết trình sang định dạng PDF, text, Web page…  
20. Sử dụng offline
Nếu muốn làm việc với các tập tin lưu trữ trên Google Drive tại nơi mà bạn không thể sử dụng kết nối Internet, bạn vẫn có thể thực hiện được bằng cách sử dụng khả năng làm việc Offline của Google Drive. Tất nhiên là bạn cần phải kích hoạt thiết lập làm việc Offline của Google Drive lên trước để có bộ nhớ đệm cần thiết mới có thể thực hiện được, bạn cũng cần phải sử dụng trình duyệt Chrome: chọn liên kết Offline từ danh sách tập tin để kích hoạt tính năng. Nếu bạn chưa cài đặt ứng dụng Drive Chrome, bạn sẽ được nhắc nhở để thực hiện. Nếu bạn đang chạy hệ điều hành Chrome thì tính năng được kích hoạt tự động.
21. Đính kèm tập tin từ Google Drive trong Gmail

 

Vì Google Drive được liên kết với tài khoản Google của bạn, do đó bạn có thể đính kèm tập tin được lưu trữ trong Google Drive trực tiếp vào Gmail. Không giống như các file đính kèm truyền thống, khi phải tải lên một tập tin đính kèm, đính kèm một tập tin thông qua Google Drive không yêu cầu bạn phải tải lên các tập tin. Giới hạn dung lượng của tập tin đính kèm cũng không áp dụng, bởi thực tế chỉ có liên kết tải tập tin từ Google Drive được gửi cho người nhận email tải về mà thôi. 

22. Chia sẻ hình ảnh dễ dàng trên Google+ 
 

Từ tài khoản Google+ của bạn cũng được liên kết với tài khoản Google Drive, từ đó mà bạn có thể tải ảnh lên và chia sẻ bất cứ hình ảnh nào mà bạn có trong Google Drive với bạn bè trên Google+. Tất cả những gì bạn phải làm là chọn tùy chọn From Google Drive khi muốn chia sẻ một một bức ảnh. 

23. Sử dụng Forms để thu thập dữ liệu
Bạn có thể tạo ra các Forms để giúp bạn thu thập dữ liệu, thông tin bất cứ điều gì đã được nhập vào biểu mẫu sẽ được tự động biên soạn thành một tài liệu bảng tính. Bạn có thể tạo ra một hình thức mới bằng cách nhấp vào nút Create và chọn Form. 
 

Bạn có nhiều lựa chọn cho cách để thu thập dữ liệu. Bạn có thể sử dụng hộp văn bản, hộp câu hỏi, danh sách, lưới… Một khi đã tạo ra các hình thức khảo sát, bạn có thể chia sẻ với những người khác bằng cách cung cấp một liên kết trực tiếp đến Form khảo sát bạn đã tạo hoặc gửi qua email của họ.

 

Một khi bài khảo sát được trả lời đầy đủ, kết quả sẽ được tự động điền vào bảng tính. Bảng tính Google Drive có cách hoạt động tương tự như Microsoft Excel, nơi bạn có thể tính toán giá trị và sử dụng công thức toán học.

 

Bạn có thể xem theo kiểu một danh sách cũng như tổ chức dễ hơn bằng cách, truy cập vào menu View>List. 
 

Sau đó sẽ thấy một bảng excel sạch với những dữ liệu mà bạn đã thu thập được. 
 


 
24. Chỉnh sửa video trên Google Drive

 

Bằng cách cài đặt tiện ích mở rộng Pixorial Video (https://chrome.google.com/webstore/detail/pixorial-video/ilbibicalpgnmbjnganinjppjephokai) cho trình duyệt Google Chrome, bạn có thể xem video của bạn lưu trữ trong Google Drive thông qua thư viện Pixorial Video. Từ đó, bạn có thể kết hợp các video clip khác nhau lại với nhau, chia nhỏ, thêm tiêu đề, nhạc nền và chuyển tiếp để tạo ra tập tin video độc đáo theo nhu cầu của mình. 

25. Chỉnh sửa hình ảnh trực tuyến Google Drive

 

Thông qua tiện ích miễn phí Pixlr Editor (https://chrome.google.com/webstore/detail/pixlr-editor/icmaknaampgiegkcjlimdiidlhopknpk) dành cho trình duyệt Chrome bạn có thể chỉnh sửa hình ảnh ngay trên Google Drive mà không cần tải về máy tính. Sau khi cài đặt Pixlr Editor, bạn chỉ cần nhấn chuột phải vào bất kỳ hình ảnh nào mà bạn đang mở rồi chọn Pixlr Editor để chỉnh sửa ảnh. Pixlr Editor đi kèm với nhiều công cụ chỉnh sửa ảnh cơ bản mà Photoshop có và có thể đáp ứng tốt nhu cầu chỉnh sửa cơ bản của bạn.
26. Thêm các bộ lọc độc đáo cho ảnh

 

Nếu bạn muốn trang trí cho các file ảnh lưu trên Google Drive với những hiệu ứng độc đáo như Instagram thì bạn sẽ cần phải cài đặt tiện ích Pixlr Express (https://chrome.google.com/webstore/detail/pixlr-express/hojmjpdlmjopaeginhldhiokeidchjid) cho trình duyệt Chrome. Trong đó Pixlr Express cung cấp nhiều bộ lọc độc đáo và lạ mắt, thêm các hiệu ứng chuyển đổi độ nghiêng… nhằm tạo ra file ảnh đẹp nhất theo nhu cầu của bạn.

Hoàng Thanh